29 tháng 2, 2012

Những xốn xang trong đầu Năm Mới Nhâm Thìn 2012

 
Tại quê hương tôi người người ăn Tết, nhà nhà ăn Tết: nhộn nhịp, mua sắm, tặng quà, lì xì, du lịch, về quê, trà dư tửu hậu… Nơi đâu cũng là Mùa Xuân làm cho người dân tạm quên đi tất cả những cảnh sống khó khăn thường ngày.

Nhìn qua mấy ngày Xuân làm tôi xốn xang:

- Tai nạn giao thông
23.000 người nhập viện cấp cứu do bị tai nạn giao thông và hơn
27.000 trường hợp bị các tai nạn khác như: bỏng, tai nạn lao động, tai nạn do đốt pháo...
326 người tử vong trong 402 vụ tai nạn giao thông. Khủng khiếp! Đạt kỷ lục thế giới!
36 người chết vì giao thông tính cho mỗi ngày trong 9 ngày nghỉ Tết đầu năm (36x9 = 324 + 2).


 Đọc con số kỷ lục tai nạn giao thông này, hẳn phải là một bài toán rất khẩn thiết và hóc búa cho bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng chăng???

- Hội Chùa Hương và Hội Lim hát Quan Họ là những lễ hội quan trọng nhất nước trong dịp mừng Xuân đã trở thành bát nháo, người đến tham quan đều bị “chặt chém” không thương tiếc. Khách đốt vàng mã mù mịt, ăn thịt thú rừng quý hiếm công khai… Một tờ báo đã viết nhận định: "… Niềm vui, náo nức phút xuất hành đi trẩy hội của bao người đã nhanh chóng bị tan biến để nhường chỗ cho sự ức chế, buồn phiền, thậm chí là khiếp sợ khi người ta đặt chân tới những chốn vốn dĩ chỉ dành cho sự thành kính, tôn nghiêm, mục sở thị những điều chướng tai, gai mắt... Du khách kêu ca đã quá nhiều, chính quyền sở tại cũng hứa hẹn không ít, báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực để lên tiếng cảnh báo sự xuống cấp nghiêm trọng của các lễ hội nhưng việc khắc phục được không đáng kể, tình hình vẫn còn rất đáng phàn nàn, nếu không nói càng nghiêm trọng hơn ở một số nơi."


- Báo Petrotimes chạy tựa đề  Du khách quốc tế trải lòng về chuyện "một đi không trở lại" Việt Nam. Tờ báo cho biết thống kê gần đây nhất (năm 2010), tỉ lệ khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam là 5% trong khi với Thái Lan, tỉ lệ này là 50%. Chỉ cần thế thôi là Việt Nam và ngành Du lịch mãi mãi sẽ phải đi tìm những khách du lịch mới, bởi vì có rất nhiều du khách đã “một đi không trở lại” sau khi đặt chân lên mảnh đất hình chữ S.


Báo Huffingtonpost đăng tải với tiêu đề 'vì sao tôi sẽ không bao giờ quay trở lại Việt Nam' (Nguyên văn tiếng Anh: 'There's not enough money in the world to get me to go back to Vietnam'),


Matthew Kepnes, một thanh niên trẻ 31 tuổi người Boston, Mỹ và là chủ nhân trang Blog du lịch Nomadic Matt (Matt du mục). Đây là blog du lịch lớn thứ 2 trên Internet và anh Matthew nhận định cảm nhận sau 3 tuần sống cận cảnh tại Việt Nam: "Không ai muốn trở lại nơi mà họ cảm thấy bị đối xử tồi tệ. Khi tôi ở Việt Nam, tôi liên tục gặp phải rắc rối, mua đắt, bị lừa gạt và bị đối đãi kém. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình được chào đón ở đây… Tôi không kết tội Việt Nam hoặc người Việt Nam ở đây. Tôi chỉ có kinh nghiệm để không bao giờ trở lại nơi này. Tuy nhiên, những câu chuyện và giai thoại tôi đã nghe từ những người khác chỉ củng cố thêm những kinh nghiệm và cảm giác mà tôi có.
"

Matthew Kepnes kết thúc chuyến đi Việt Nam với lời kết án: "Sau 3 tuần ở Việt Nam, tôi cảm thấy không thể ở lâu hơn được nữa và tôi sẽ không bao giờ trở lại nơi này".


Trên trang nhà của Matthew Kepnes đã có 239 người vào bình luận về đề tài này.


- Nhân dân phá nhà nhân dân. Một cách mạ lị tầng lớp nhân dân của ông Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại vì đã gán và đổ tội lên đầu nhân dân trong vụ tấn công hùng mạnh chống lại gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Theo ông Thoại tình huống ly kỳ xảy ra tại Tiên Lãng không phải từ chính quyền huyện mà do "nhân dân bất bình nên vào phá". Tuy nhiên theo luật sư Lê Đức Tiết - phó chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật MTTQ VN sau khi thực hiện giám sát về vụ cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn đã phản kháng lại ông Thoại: "Đại diện cao nhất của TP Hải Phòng là ông Đỗ Trung Thoại - phó chủ tịch UBND TP - nói dân bức xúc vào phá nhà ông Vươn. Nhưng thực tế không phải. Tôi cho rằng chính quyền Hải Phòng thiếu nhạy cảm trước vụ việc rất nghiêm trọng này. Ông chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nói cứ thu hồi đã rồi giao cho ai thì tính sau. Một người đại diện cho chính quyền mà trả lời như vậy là không thể hiện đúng vai trò của nhà chức trách, không phải là cách trả lời của người cầm cân nảy mực."


Luật sư Lê Đức Tiết sau giám sát tình hình ở Tiến Lãng phải ngả nón chào thua các quan lại ở đấy: "Chính quyền huyện Tiên Lãng thiếu minh bạch và có những hành vi bất tuân pháp luật. Vụ việc nghiêm trọng này cũng là lời cảnh báo về xu hướng chính quyền dùng cưỡng chế để giải quyết công việc".


Một điều cần phải chú ý thêm về tựa đề của báo Pháp Luật hôm 31/1/2012: Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng: Nhiều tay giang hồ có mặt tại khu đầm.


Người dân ghi nhận được các biệt danh của giới giang hồ như Hoàng Văn Chương (Chương "sực", ngụ xã Bắc Hưng), Phường "tố", Hòa "lễ" (cùng ngụ xã Nam Hưng) là những tay giang hồ có "số má" tại Tiên Lãng. Theo một nguồn tin, trước hôm diễn ra vụ cưỡng chế, một nhóm giang hồ hơn chục người ở quận Kiến An đã được một số tay "anh chị" ở Tiên Lãng mời về Vinh Quang gây thanh thế. Một tay giang hồ cho biết họ chỉ đến đó, không phải làm gì nhưng sau đó vẫn được trả công 2 triệu đồng/người.


Như thế các quan xã huyện ở nơi đây đang là đảng cướp chăng?


Đầu Năm Nhâm Thìn 2012

Hà Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét