10 tháng 12, 2010

Chiếc ghế trống ở thủ đô Oslo trị giá 1,4 triệu Đôla Mỹ


Sau chục phút nói chào, những tràng pháo tay nồng nhiệt nổ giòn, cả ngàn người đứng dậy chúc mừng cho chiếc ghế bọc vải màu xanh. Sau đó người đọc diễn văn trang trọng tiến đến đặt lên chiếc ghế trống này giải thưởng Nobel chạm hai chữ vàng LXB và tấm huy chương vàng ghi hình ông Nobel. Lúc ấy chiếc ghế trống, nơi ông Lưu Hiểu Ba đáng nhẽ phải ngồi đấy - có giá trị hẳn lên, tương đương với 1,4 triệu Đôla Mỹ.

Trưa ngày 10/12/2010 lúc 13g10 tại đại sảnh của Tòa Đô Chính thủ đô Oslo Na Uy, ông Thorbjorn Jagland, chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel chính thức khai mạc nghi thức trao giải thưởng Nobel Hòa Bình 2010 cho người đoạt giải vắng mặt Lưu Hiểu Ba. Đây là lần thứ hai sau năm 1936 người nhận giải Nobel khiếm diện và cũng chẳng có người thân đại diện cho chính mình. Ông Lưu Hiểu Ba đã bị cộng sản Tàu kết án tù 11 năm vì đòi quyền tự do ngôn luận, nhưng được gán cho tội đồ diễn biến chống phá nhà nước.

Theo luận điệu tuyên truyền xảo trá và gian dối của lãnh đạo cs Tàu từ cửa miệng bà Khương Du, nữ phát ngôn Bộ Ngọai Giao cho biết hơn 100 quốc gia đồng thuận với cộng sản Tàu tẩy chay cuộc trao giải Nobel Hòa Bình tại Oslo, trong khi đó Ủy ban Giải thưởng Nobel chỉ mời đúng 65 quốc gia đến tham dự mà thôi. Cuối cùng phải lòi cái đuôi dối trá cho thế giới nhận ra có 18 quốc gia không đến tham dự, nếu điểm tên các nuớc này ra thì thấy tại quốc gia họ đều có vấn đề nghiêm trọng nhất trên thế giới về tự do nhân quyền như Iran, Cuba, Việt Nam…

Một điểm đáng chú ý về Serbia, lúc đầu chính phủ Serbia (nằm ở đông nam Âu Châu) tùng phục cs Tàu đã từ chối tham dự, nhưng họ phải khuất phục đầu hàng trước sự liên đới hiệp nhất tuyệt đối của Liên Hiệp Âu Châu nên đã cử đại diện quốc gia đến tham dự trước giờ khai mạc. Serbia đang chuẩn bị xin gia nhập khối Liên Hiệp Âu Châu mà theo vén váy cho Tàu thì chỉ rước họa vào thân. Ukraina ban đầu từ chối sau đó lại nhận lời đến tham dự.

Trong 1.000 khách mời đến Oslo có đại diện cao nhất của nước Na Uy đăng cai trao giải Nobel là vợ chồng vua Harald V. và hoàng hậu  Sonja ngồi chủ tọa giữa đại sảnh. Từ Hoa Kỳ người có quyền lực đứng thứ ba của Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi được tháp tùng bởi  Đại sứ Mỹ Barry White. Hầu như toàn khối Liên Hiệp Âu Châu bao gồm đại diện và đại sứ có mặt trong buổi trao giải thưởng. Báo chí có nhắc đến những nghệ sĩ điển ảnh danh tiếng như tài tử đoạt giải Oscar Denzel Washington và nữ minh tinh Anne Hathaway ngồi trong hàng ghế quan khách.

Tại quốc nội, cs Tàu kiểm soát gắt gao những nhà dân chủ trong ngày thứ sáu và cắt đứt hệ thống truyền hình trực tiếp của Mỹ CNN, của Anh BBC và của Pháp TV5, trên màn hình của 3 kênh này chỉ hiện lên toàn màu đen. Ngoài ra trang website của Ủy ban Nobel đã bị ngăn chặn kỹ càng, cùng lúc các phương tiện internet bị kiểm soát gắt gao.

Bài diễn văn của chủ tịch Ủy ban giải Nobel Na Uy Thorbjorn Jagland mang tính chất ngoại giao khéo léo, một mặt ca ngợi những thành quả về kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Tàu và họ đang vươn lên trở thành một cường quốc. Nhưng đã là một cường quốc thì cũng biết lắng nghe những phê bình như điều xây dựng. Nước Mỹ giàu mạnh có những đồng minh nhưng khi cần họ cũng biết lắng nghe những phê bình của các nước bạn.

Ông Jagland so sánh giải Nobel hòa Bình 2010 với việc trao giải Nobel cho mục sư Martin Luther King. Cũng vào thời gian đó không thể làm hài lòng với nhiều người Mỹ - nhưng điều đó đã làm cho đất nước họ mạnh tiến triển hơn. Cũng vậy, nước Tàu cũng có thể mạnh hơn bởi giải thưởng Nobel Hoà Bình.

„Ông Lưu Hiểu Ba không làm những gi khác hơn là quyền người dân được hiến pháp công nhận“, ông Jagland tuyên bố. "Ông Lưu đã không làm điều gì sai trái. Ông phải được trả lại tự do!“ Với những nhận định đanh thép này đã động chạm vào thẳng những con tim đang hiện diện trong đại sảnh vì thế mọi người đứng lên cổ vũ và vỗ tay dài hàng phút.

Vị Chủ tịch Ủy ban Nobel xác định một lần nữa vinh danh những người tiên phong dấn thân cho tự do và quyền con người. Do đó, chúng tôi muốn bắt tay thân thiện đến nước Tàu và cả ông Lưu với lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Tiếp theo đó ông Jagland trang trọng tiến đến chiếc ghế trống và đặt văn bằng giải thưởng và huy chương Nobel Hòa Bình 2010, đó là nơi ông Lưu Hiểu Ba theo nhẽ được vinh dự ngồi vào đó.

Hình dáng chiếc ghế màu xanh để trống ở Oslo nhìn rất bình thường như những chiếc ghế khác vẫn có 4 chân, 2 chỗ dựa tay và một chỗ dựa lưng, nhưng hôm nay chiếc ghế này mang tải cho thế giới một sức nặng vô biên về quyền tự do con người, quyền đấu tranh ngôn luận cho dân tộc thăng tiến. Tuy rằng, chiếc ghế này ông Lưu chưa được vinh dự ngồi trên đó, nhưng nó đã hoàn toàn thuộc về ông và không một ai, một chế độ nào có thể cướp đi của ông được. Cả ngàn người trang trọng đứng lên vinh danh chiếc ghế màu xanh là hiện thân của ông Lưu Hiểu Ba ở thủ đô Oslo. Người đoạt giải Nobel Hòa Bình trong tinh thần rất gần gũi với mọi người trên thế giới, như lời nhận định của ông Jagland. Đó là sức mạnh mà nhà nước cộng sản độc tài đảng trị Tàu đang lo sợ về sự ảnh hưởng tinh thần vượt biên giới của tù nhân Lưu Hiểu Ba.

Nơi đây, tiện nói về cs Tàu người viết xin nhắc thêm về một sự kiện quan trọng, nói đúng hơn là một biến cố lịch sử cách đây vừa tròn 3 năm mà Blogger Mẹ Nấm nhắc nhở trong Blog: Nhanh thật, chớp mắt mà đã được 3 năm. Ngày 09/12/2007. Khó có thể quên ngày này, nếu bạn là người Việt Nam quan tâm đến tình hình đất nước. Ba năm trước, ở Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn và Hà Nội, người Việt Nam đã dõng dạc cất tiếng: "Trả lại Trường Sa - Trả lại Hoàng Sa - Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam".

Chỉ trong 3 năm trôi qua với bao cuộc ruồng bắt, kết án bỏ tù những người yêu nước muốn bảo vệ giang sơn gấm vóc tổ quốc Việt Nam và cũng từ lúc đó chính quyền cộng sản Việt Nam hèn mạt cúi đầu nhục nhã nhỏ nhẹ gọi tên kẻ thù là „kẻ lạ“ kẻo phạm húy với ông bạn có 16 chữ vàng, thì bây giờ làn sóng can đảm và chính nghĩa vươn lên trong các thế hệ đã dám gọi đích danh kẻ thù là „Tàu chứ còn đứa chó nào nữa!“ (Phạm Toàn).

Từ 18 chữ vàng phải ghi khắc trong tim của tầng lớp lãnh đạo cs Việt Nam tại Hà Nội: “Láng giềng hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai” thì trong giới bình luận Blogger lề trái đã cho ra những câu đối thật hoàn chỉnh và rất đúng sự thật về „kẻ lạ“: „Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển dài lâu, thôn tính tương lai.“

Một điều nhắc nhở quan trọng của vị Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjorn Jagland trong lúc trao giải Nobel Hòa Bình 2010: „Ngăn cấm sự tự do ngôn luận là đồng nghĩa cho việc tham nhũng hoành hành.“

Ôi chao! Câu nói này thật đúng cho các vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam (Sa thải vì tham nhũng thì… lấy ai làm việc!).

Hà Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét