13 tháng 3, 2012

Ngày Quốc Tế chống kiểm duyệt Internet: Việt Nam nằm trong danh sách "Kẻ Thù" của Internet


Ngày 12/03/2012 là Ngày Quốc Tế chống kiểm duyệt Internet được diễn ra lần thứ tư tại Paris và Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF (Reporters Sans Frontieres) - đặt trụ sở tại Pháp, đã đưa ra một danh sách gồm 12 quốc gia "Kẻ Thù" của Internet cho năm 2011: Ả Rập Xê Út, Bahrain, Belarus, Miến Điện, cộng sản Tầu, cộng sản Bắc Hàn, cộng sản Cuba, Iran, Uzbekistan, Syria, Turkmenistan và cộng sản Việt Nam. RSF cũng đưa ra thêm danh sánh 14 quốc gia đang cần được chú ý.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF lên án các quốc gia trên: Họ gạn lọc nội dung trực tuyến qua trang mạng, hạn chế việc truy cập mạng. Đồng thời họ phổ biến, tuyên truyền trên mạnglùng soát những "trang mạng bất đồng chính kiến". 5 Blogger đã bị giết trong năm 2011. Khoảng 120 Blogger và các nhà hoạt động trực tuyến trên toàn thế giới đang ngồi sau song sắt – tăng 30% so với năm 2010, đặc biệt là ở Tầu, Iran và Việt Nam. Hiện tại ở Việt Nam có 18 tù nhân liên quan đến mạng Internet đang bị giam cầm, chỉ đứng sau Iran với 20 tù nhân.

Trong năm 2010 Việt Nam đã đươc liệt kê nằm trong danh sách kẻ thù này. Lý do nhà nước Việt Nam đã cô lập và giam cầm những người bất đồng chính kiến trước phiên họp Đại hội đảng cs Việt Nam vào tháng 1/2011.

Chế độ cộng sản ở Bắc Kinh luôn tạo áp lực lớn vào các công ty tư nhân trực tuyến để giúp chính quyền kiểm duyệt Internet. Iran muốn thành lập một trang "mạng quốc gia", để tách dân chúng ra khỏi cộng đồng thế giới tự do. Tại Syria, chế độ của tổng thống Bashar al-Assad không chỉ đàn áp tàn bạo trên đường phố chống lại phe đối lập, mà chính quyền còn kiểm duyệt Internet càng lúc càng gắt gao hơn nhằm ngăn chặn và cắt đứt việc đưa tin về các cuộc bạo động và tàn sát người biểu tình ra thế giới bên ngoài. Tổng thống Assad đang nhận được sự hỗ trợ về việc này từ phía Iran.

Tuy nhiên, tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF nhìn thấy sự cải thiện ở Libya. Sau sự sụp đổ của nhà độc tài Muammar al-Qaddafi một "kỷ nguyên của sự kiểm duyệt" đã được chấm dứt. "Trước tiên, tất cả các biến động ở các nước Ả Rập cho thấy tầm quan trọng của Internet trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài", tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết.

"Mùa Xuân Á Rập không thể xảy ra nếu không có phương tiện Internet qua các mạng xã hội Facebook và Twitter và người sử dụng của đã góp phần quan trọng vào cuộc cách mạng này", Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã đánh giá cao chức năng Internet hiện nay.

Giải thưởng "Dân Cư Mạng" năm 2011 trao cho Syria

Đặc biệt, giải thưởng "Dân Cư Mạng" năm 2011 đã được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF trao cho Trung tâm Truyền thông Địa phương ở Syria, nơi các nhà báo công dân tình nguyện làm việc. Cơ quan này chỉ mới được hình thành sau thời gian cách mạng Hoa Lài để thu thập tin tức và hình ảnh từ các địa điểm của các cuộc nổi dậy và hầu như đều là những nguồn tin đầu tiên đưa ra được thế giới bên ngoài.

"Các trung tâm truyền thông là đại diện của tất cả các nhà hoạt động Internet và nhà báo công dân ở Syria, họ chấp nhận các nguy cơ to lớn đến với họ, để tường thuật về thảm kịch của đất nước họ", lời khen ngợi vang lên vào tối thứ hai, 12/3/2012 dịp trao giải thưởng tại Paris. Giải thưởng này trị giá 2.500 Euro.

Người đại diện nhận giải thưởng là chị Ola Betersch, 27 tuổi đã bỏ công việc chăm sóc trẻ em khuyết tật để tập trung ngày đêm làm việc trong Ban Điều Hợp của Trung tâm Truyền thông Địa phương. Chị Ola Betersch đã gia nhập với đoàn biểu tình từ tháng 3/2011. "Chúng tôi cố gắng phơi bày sự thật (sự đàn áp và tàn sát người biểu tình) ra ánh sáng, và tập trung vào những gì thực sự đang xảy ra," người phụ nữ trẻ này cho Tổ chức Phóng viên Không biên giới biết.

Tình hình ngăn chận Internet ở Việt Nam

Lucie Morrillon, Giám đốc văn phòng truyền thông của RSF cho đài BBC biết về tình trạng khó khăn hiện tại: "Chính quyền Việt Nam liên tục có những đợt thắt chặt kiểm duyệt, sách nhiễu các Blogger, các nhà hoạt động mạng dân chủ, nhân quyền trên Internet".

Morrillon cũng nhận định rõ ràng rằng: "Sau các diễn biến năm 2011 của Mùa Xuân Ả Rập, chính quyền Việt Nam muốn siết chặt các biện pháp kiểm soát và nắm chặt tình hình, giữ ổn định cho chế độ. Do đó chúng ta chứng kiến việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát, theo dõi mạng và tăng cường tuyên truyền của Nhà nước".

Một tố giác cụ thể việc bắt giam các Blogger tại Việt Nam: "… Người ta đã thấy đã và đang xảy ra nhiều vụ bắt giữ các Bloggers theo đạo Công Giáo, điển hình là trường hợp của Paulus Lê Văn Sơn, bị bắt từ tháng Tám năm 2011… Hiện nay, chúng tôi hết sức lo lắng cho trường hợp của blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải. Trong suốt hai tháng qua xuất hiện ngày càng nhiều các tin đồn đáng quan ngại về tình hình giam giữ, sức khỏe hiện nay và tính mạng của ông",Lucie Morrillon cho biết. Cũng theo bà dân cư mạng tại Việt Nam đang vạch ra được bộ mặt thật của chính quyền: "Các công dân mạng cũng đưa tin, bài đề cập nhiều về nạn bạo lực do cảnh sát gây ra..."

Chúng ta phải công nhận rằng, nhờ phương tiện thông tin nhạy bén trên mạng Internet người dân Việt Nam đang hé mở được một cửa sổ ra thế giới bên ngoài: khi nhận tin cũng như đưa tin. Nhờ vậy vụ việc Tiên Lãng được loan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới, đến nỗi nhà nước cs Việt Nam không thể kịp tay che lấp được. Tiên Lãng đã khởi lên phát súng đầu tiên có sự tham gia tích cực của các trang mạng theo Lề Phải lẫn Lề Trái. Nhờ vụ Tiên Lãng các con cừu ngoan ngoãn xưa nay đã biết bước lên cả hai LỀ để đi.

Đúng như nhận định của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF trong Ngày Quốc Tế chống kiểm duyệt Internet tại Paris về một điều cơn bản nhưng rất quan trọng về Mùa Xuân Á Rập: "Dân cư mạng cố gắng đứng bên cạnh các nhà báo chuyên nghiệp để đưa các cơ chế kiểm duyệt của chính quyền đi đến sự thất bại".

Sức mạnh vạn năng của Internet đang nằm trong tay 90 triệu người dân Việt Nam, cho dù các nguy cơ bị bắt bớ luôn rình rập ở bên cạnh họ. Các Blogger Việt Nam đang can đảm và đi tiên phong với phương tiện truyền thông hiện đại. Sự can đảm đó đã mang lại cho thế giới một Mùa Xuân Ả Rập. Niềm tin và sự can đảm này đang được tiếp tục lây lan đến Syria, chế độ bạo tàn của tổng thống Bashar al-Assad có lẽ cũng chỉ được đếm từng ngày chẳng khác chi mới nhất đây người dân Lybia đối với ông Muammar al-Qaddafi.

Hà Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét