Những người "Phụ Nữ Áo
Trắng" can trường đối đầu với cường quyền cộng sản Cuba
Tình hình chính sự tại Cuba đang nóng dần lên vì chuyến
viếng thăm mục vụ tại Cuba của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sắp đến từ ngày 26
đến 28 tháng 3 năm 2012.
Trước đó vào dịp mừng lễ Giáng Sinh 2011 nhà nước cộng sản Cuba đã trao trả tự do cho gần 3.000 tù nhân. Đây là số tù nhân được ân xá lớn nhất chưa từng có trong lịch sử cộng sản Cuba. Giới báo chí quốc tế nhận định đó là một món quà đặc biệt dành cho ĐGH Bênêđictô XVI, người được xem là vị khách quan trọng sẽ đến thăm. Vì thế việc phóng thích tù nhân mang một vai trò nổi bật cho chuyến tông du của ĐGH Bênêđictô XVI.
Chủ tịch Raúl Castro lúc ấy cho biết việc phóng thích tù
nhân là một "cử chỉ nhân đạo mang
tính cách chủ quyền quốc gia".
Vị tiền nhiệm, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm
Cuba vào năm 1998 và lúc đó chủ tịch Fidel Castro đã phóng thích 299 tù nhân
như là một món quà nhân quyền tặng riêng cho Ngài.
Việc ân xá gần 3.000 tù nhân vào dịp lễ Giáng Sinh đã là biểu
hiệu một nhân nhượng lớn với các đòi hỏi từ phía Giáo Hội công giáo Cuba, đứng
đầu là Đức Hồng Y Jaime Ortega, người luôn hỗ trợ cho nhóm "Phụ Nữ Áo
Trắng". Đó là những người vợ, người mẹ, con gái của 79 nhà bất đồng chính
kiến, phần lớn là các nhà báo đã bị bắt giam từ năm 2003. Nhờ sự can thiệp của
Giáo Hội Công Giáo Cuba và chính phủ Tây Ban Nha 52 người trong số họ đã được
trả tự do vào năm 2010.
Nhà nước cộng sản Cuba xem nhóm "Phụ Nữ Áo
Trắng" (Damas de Blanco) như những cây gai trong mắt và gia tăng khủng bố
nhóm này. Tháng 9/2011 tổ chức Ân xá quốc tế đã kêu gọi chính phủ cộng sản Cuba
chấm dứt việc đe dọa nhóm người bất đồng chính kiến và những người ủng hộ nhóm
"Phụ Nữ Áo Trắng".
Giáo hội công giáo Cuba luôn can đảm bênh vực tù nhân và
đó là sức mạnh làm cho nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" vẫn thỉnh thoảng xuống
đường biểu tình phản đối việc bắt giam trái phép những người bất đồng chính
kiến tại Cuba.
Họ đã làm như thế trong 7 năm rồi bất đầu từ Mùa Xuân Đen
2003 khi Fidel Castro đàn áp làn sóng đòi dân chủ tại Cuba nổi dậy, hơn 79
người bị bắt trong đó có nhiều nhà báo.
"Phụ nữ chúng
tôi sẽ tiếp tục xuống đường tuần hành, cho đến khi các tù nhân cuối cùng được
trả tự do. Chúng tôi không phải chính trị gia, chúng tôi là những phụ nữ muốn
bảo vệ quyền con người", phát ngôn viên của "Damas de Blanco", bà Laura
Pollancho biết vào tháng 7/2010. Từ năm 2003, mỗi chủ nhật những người phụ nữ
này mặc quần áo trắng này kiên trì xuống đường tuần hành để phản đối chính
quyền cộng sản Cuba cho tới khi bị cấm ngày 11/4/2010. Họ đã chống đối như thế,
bắt đầu từ Mùa Xuân Đen 2003 khi Fidel Castro đàn áp làn sóng đòi dân chủ tại
Cuba nổi dậy. Như thế đúng 7 năm trời ròng rã và kiên trì các "Phụ Nữ Áo
Trắng" đã xuống đường biểu tình chống lại việc bắt giam những nhà bất đồng
chính kiến tại Cuba.
Vào tháng hai 2012, nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" lại
xuống đường diễu hành để tưởng nhớ về cái chết của nhà bất đồng chính kiến Orlando Zapata Tamayo. Cứ mỗi lần như vậy họ đi hàng đôi hoặc hàng ba và
tay cầm bông hoa.
Ban đầu, nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" yêu cầu thả các
tù nhân chính trị, bây giờ họ đang đòi hỏi cho quyền dân chủ ở Cuba. Thương
hiệu của họ thường là quần trắng hoặc chiếc váy trắng. Từ đó danh xưng "Damas
de Blanco" - họ gọi cho mình, nghiã là phụ nữ trong trang phục trắng. Chưa
đầy 10 năm những phụ nữ này đã trở thành một trong những nhóm đối kháng nổi bật
nhất để đòi nhân quyền ở Cuba.
Những người "Phụ Nữ Áo Trắng" này đã được trao
giải thưởng Pedro-Luis-Boitel năm 2003, Giải thưởng Nhân Quyền quốc tế năm 2006,
Giải thưởng Sacharow của Quốc hội Âu Châu năm 2006, Giải thưởng Human Rights
First của Mỹ năm 2006, Giải thưởng của Bộ Ngoại Giao Mỹ năm 2011 vì là Người
bảo vệ Nhân quyền.
Và bây giờ nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" đang là vấn đề
nhức nhối cho cộng sản Cuba: từ 26 đến 28 tháng 3, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
sẽ đến thăm Cuba. Cả chính quyền cs Cuba lẫn Giáo Hội Cuba không biết làm cách
nào để ứng phó thích hợp với nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" này. Bà Bertha
Soler, là tân phát ngôn viên của nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" - đang đòi
hỏi: "Chúng tôi muốn nói chuyện với
Đức Giáo Hoàng, cho dù chỉ trong một phút". Họ đã đưa một tin nhắn qua
băng Video trực tiếp đến ĐGH Bênêđictô XVI và gửi một bức thư đến Đức Tổng Giám
Mục Havana trong tuần qua.
Hơn 50 "Phụ Nữ Áo Trắng" đã bị bắt vào ngày 18/03/2012
Vào cuối tuần qua, chủ nhật 18/03/2012 chế độ cộng sản Cuba đã ra tay bố ráp lùng bắt nhóm phụ nữ, lúc họ vừa trên đường đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa nhật, trong số người bị bắt có bà Bertha Soler. Theo các đảng đối lập cho biết hơn 50 "Phụ Nữ Áo Trắng" đã bị công an bắt giữ. Thông thường các phụ nữ này thường bị giam giữ trong vòng vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày thì được thả ra. Và sau đó, chủ nhật kế tiếp họ lại bắt đầu diễn trở lại trò chơi mèo vờn chuột với công an cảnh sát.
Chỉ một ngày sau, bản tin DPA đưa đi vào thứ hai,
19/03/2012 nhà nước Cuba đã trả lại tự do cho những Phụ Nữ Áo Trắng" kiên
cường này.
Trong thời gian căng thẳng, trước chuyến viếng thăm của
ĐGH Bênêđictô XVI tại Cuba mọi ánh mắt đều đổ dồn về Đức Hồng Y Jaime Ortega,
Tổng Giám Mục thủ đô Havanna. Trong 2 năm vừa qua vị Hồng Y này đang đóng một
vai trò rất quan trọng trong quá trình nối lại mối quan hệ giữa Giáo Hội Công
Giáo Cuba và nhà nước, mà trước đó Giáo Hội đã bị thống trị bởi hận thù dai
dẳng của chính quyền cs Cuba, thời gian này đã kéo dài qua nhiều thập kỷ.
Hậu quả tàn bạo của cuộc Cách mạng
Cuba do Fidel Castro thực hiện đã làm cho Giáo Hội Công Giáo tại đây lâm vào
cảnh khốn cùng. Một chính sách quy mô nhằm thanh trừng người Công Giáo: khám
xét tư gia, ngăn cấm sinh hoạt nhà thờ vào những đầu năm 1960 đã gây ra một làn
sóng trốn thoát ra khỏi Cuba của khoảng 2.000 tu sĩ nam nữ Công giáo và 200
linh mục. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ra vạ tuyệt thông cho
Fidel Castro. Kể từ đó, tại Cuba đã không được phép
xây dựng một nhà thờ mới nào và các giờ học giáo lý trong các trường học trở
thành điều cấm kỵ.
Cho đến năm
2010, chủ tịch Raul Castro đã tìm kiếm sự giúp đỡ nơi Đức Tổng Giám Mục Havanna.
Lúc ấy, cái chết vì đói trong tù của nhà bất đồng chính kiến Orlando
Zapata đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới. Raul Castro bị rơi vào thế
phòng thủ, sau đó ông quyết định việc chấm dứt sự đóng băng giữa Giáo Hội Công
Giáo và nhà nước cộng sản Cuba.
Sau đó, tất cả mọi việc giải quyết xảy ra rất nhanh: Đức Hồng Y Ortega tuyên bố
từ bục giảng những mục đích đạt được từng điều một: Việc phóng thích tù nhân
của Mùa Xuân Đen 2003, họ được đưa đến Tay Ban Nha định cư. Vào dịp Giáng Sinh
2011 ĐHY Ortega đã khẳng định một lệnh ân xá chung cho khoảng 3.000 tù nhân. Cử chỉ muốn làm hòa với Giáo Hội
Công Giáo Cuba, chủ tịch Raul Castro đã xuất hiện tại lễ khánh thành một chủng
viện ở Cuba, lần đầu tiên hơn nửa thế kỷ Giáo Hội Cuba mới được phép xây dựng
một cơ sở đào tạo tu sĩ như thế. Nhiều thành viên Chính phủ của Cuba thường xuyên
có mặt trong các cuộc rước kiệu của Giáo Hội. Và thành quả mới nhất cũng như
quan trọng nhất là Đức Hồng Y Ortega đã được phép công bố chuyến viếng thăm mục
vụ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Cuba.
Giáo Hội Công Giáo Cuba được xem như là một người
hòa giải, nhưng không phải là đại diện của phe đối lập. Việc bắt giam hơn 50
"Phụ Nữ Áo Trắng" vào một tuần trước ngày ĐGH Bênêđictô XVI đến Cuba
làm cho tình hình giữa nhà nước, Giáo Hội và phe đối lập rất căng thẳng, nhất
là nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" đòi được gặp mặt Đức Giáo Hoàng. Sức ép
chính trị này đang làm cho nhà nước cộng sản Cuba rất lo ngại.
Một lập luận khôn ngoan của nhóm
"Phụ Nữ Áo Trắng": Nếu cựu chủ tịch Fidel Castro được phép gặp riêng
ĐGH Bênêđictô XVI thì phe đối kháng cũng như nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" chúng
tôi cũng phải nhận được một cử chỉ thích hợp. Tuy nhiên sự gặp gỡ với Fidel
Castro đã không có trong lịch trình của Đức Giáo Hoàng. Bà Bertha Soler và
người trong nhóm vẫn không từ bỏ ý định, họ tìm đủ mọi cách để gặp được mặt của
ĐGH Bênêđictô XVI, cũng có thể xảy ra ngay trên đường đến tham dự thánh lễ của
Đức Giáo Hoàng tại Santiago de Cuba và thủ đô Havanna.
Việc này chỉ có một cách ngăn cấm
duy nhất, nếu nhóm "Phụ Nữ Áo Trắng" lại bị nhà nước cộng sản Cuba
bắt giam trước đó.
Sự can trường của những người phụ
nữ này thật đáng khâm phục và bạo quyền Cuba không thể làm cho họ khuất phục từ
nhiều năm nay.
Hà Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét